Thứ Năm, 01/05/2025
Ban Tuyên giáo Trung ương - Hệ thống phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị

LỊCH SỬ BIÊN NIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - TẬP 2

Chia sẻ:

Tiếp theo cuốn Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản việt Nam, tập I – Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước và các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (1911-1929), Viện Lịch sử Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam tập II - Đảng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1930-1945). Những sự kiện được trình bày trong tập II tập trung phản ánh quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền. Đó là quá trình Đảng ta từng bước xây dựng, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng phác họa những nét cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam đến Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đó cũng đồng thời là quá trình Đảng ta lãnh đạo các cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh điểm là Xô viết Nghệ Tĩnh, quá trình Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh phục hồi tổ chức Đảng và lực lượng cách mạng 1932-1935 tiến tới Đại hội lần thứ nhất của Đảng, cao trào dân chủ 1936-1939 và cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939-1945 với thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với những nội dung nói trên, những sự kiện được trình bày trong cuốn sách được lựa chọn, biên soạn trên cơ sở những tư liệu mới, kết qua nghiên cứu mới và những nhận định đánh giá mới mang tính khoa học, đưa lại cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn về lịch sử Đảng lãnh đạo cuộc cách mạng giành chính quyền trong những năm 1930-1945. Mặc dù tập thể tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng chắc chắn nội dụng cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế. Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp ý kiến chân thành của đông đảo bạn đọc. Xin trân trọng cảm ơn!

TỪ NGÀY 6 - 1 ĐẾN ĐẦU THÁNG 2

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Được nghe báo cáo về tình hình không thống nhất giữa các tổ chức cộng sản ở trong nước và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bị tan rã, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm tới Trung Quốc vào ngày 23-12-1929. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp tại Hồng Công ngày 6-1-1930 để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị kéo dài đến tuần đầu tháng 2-1930. Ngày 8-2-1930, các đại biểu về nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9-1960 quyết nghị "từ nay trở đi lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng".

Để chỉ đạo Hội nghị tiến hành đạt mục tiêu thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình về những thành kiến giữa các tổ chức cộng sản, dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản. Tiếp đó, Hội nghị bàn về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thảo luận thông qua Chính cương, Điều lệ, kế hoạch thực hiện việc thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước, cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Những ý kiến chỉ đạo đó của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được Hội nghị tán thành và thực hiện.

Hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã phê bình lẫn nhau, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của họ. Những khuyết điểm chủ yếu của An Nam Cộng sản Đảng là: điều kiện công nhận đảng viên chính thức quá khắt khe, điều kiện gia nhập Công hội, Nông hội, Học sinh hội cũng quá khắt khe.

Đông Dương Cộng sản Đảng thì phạm các sai lầm, khuyết điểm: điều kiện công nhận đảng viên chính thức và điều kiện kết nạp vào Công hội quá khắt khe; về mặt tổ chức, đảng có tính chất bè phái, xa quần chúng, làm tan rã hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt.

Kết quả phê bình và tự phê bình đó dẫn tới sự thống nhất thành lập một Đảng Cộng sản.

Hội nghị thảo luận và tán thành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất cách cử Ban Chấp hành Tung ương lâm thời: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, có năm ủy viên do Đông Dương Cộng sản Đảng cử, Nam Kỳ có hai ủy viên do Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng cử. Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có tổng số bảy ủy viên1.

 Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Hội nghị quyết định chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế. Theo đó, Công hội và Nông hội sẽ thu hút những công nhân và nông dân không thể kết nạp vào Đảng. Các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản vào Hội Phản đế. Hội nghị xác định rõ thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là cử cán bộ vào Nam Kỳ để lãnh đạo và đưa tổ chức này vào Hội Phản đế, đối với Tân Việt thì không giải tán và cũng đưa vào Hội Phản đế, kết nạp những người ưu tú trong tổ chức đó vào Đảng. Đảng chủ trương tranh thủ Quốc dân Đảng, thu nạp đảng viên của Đảng này vào Hội Phản đế. Để thực hiện chủ trương đoàn kết các tố chức cách mạng trong Mặt trận phản đế, "Đảng chỉ định một đồng chí chịu trách nhiệm họp đại biểu tất cả các đảng phái như Tân Việt, Thanh niên, Quốc dân Đảng, Đảng Nguyễn An Ninh, v.v. để thành lập Mặt trận phản đế và về sau cá nhân hoặc tổ chức đều có thể gia nhập".

Đảng sẽ thành lập Hội Cứu tế do những đảng viên được Đảng cử ra phụ trách và tuyên truyền phát triển hội viên. Hội Cứu tế làm nhiệm vụ đấu tranh chính trị bảo vệ những chiến sĩ cách mạng, giúp đỡ họ và gia đình họ về vật chất khi họ bị chính quyền thực dân bắt bớ, kết án và tù đày…

Về báo chí của Đảng, Hội nghị thành lập Đảng quyết định bỏ những tờ báo của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng xuất bản trước đây. Xuất bản một tạp chí lý luận và ba tờ báo tuyên truyền.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là thành quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr. 10-13.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 21, tr. 904.

- Tạp chí Lịch sử Đảng số 3-2000. 

TỪ NGÀY 6-1 ĐẾN ĐẦU THÁNG 2

Chánh cương văn tắt, Sách lược văn tắt của Đảng

Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng.

Chánh cương vắn tắt của Đảng chủ trương làm “tư sản dân quyền c.m2 và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”.

Nhiệm vụ của cuộc cách mạng ấy, về phương diện xã hội thì làm sao cho dân chúng được tự do, nam nữ bình quyền và phổ thông giáo dục theo công nông hóa; về phương diện chính trị: đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tổ chức ra chính phủ công nông binh và quân đội công nông; về phương diện kinh tế thì phải thủ tiêu hết các thứ quốc trái, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công nông binh quản lý, thu hết ruộng đất chia cho dân nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày mở mang công nghiệp và nông nghiệp, thi hành luật ngày làm tám giờ.

Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Đảng phải tập hợp được đại bộ phận giai cấp và làm cho giai cấp lãnh đạo được dân chúng. Đảng phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo, phải hết sức lãnh đạo nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ đại địa chủ và phong kiến, Đảng phải "hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ.

Trong khi liên lạc với các giai cấp phải rất cẩn thận không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp". Hơn nữa khi tuyên truyền khẩu hiệu "nước An Nam độc lập", Đảng phải đồng thời nêu khẩu hiệu đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.

Chánh cương vắn tắt của Đảng, sách lược vắn tắt của Đảng là cương lĩnh cách mạng đầu tiên vạch ra con đường đi cho cách mạng Việt Nam. Chánh cương, Sách lược vắn tắt có giá trị vô cùng to lớn - là một trong những nền tảng quan trọng xây dựng nên đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng ta.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr 2-5.

TỪ NGÀY 6-1 ĐẾN ĐẦU THÁNG 2

Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định những vấn đề về: tên Đảng, tôn chỉ, điều lệ, hệ thống tổ chức, trách nhiệm và quyền lợi của đảng viên, các cấp Đảng chấp hành ủy viên, kinh phí và kỷ luật.

Điều lệ ghi rõ tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôn chỉ của Đảng là "lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản".

Điều kiện gia nhập Đảng là những ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái đấu tranh và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thì sẽ được kết nạp vào Đảng; đồng thời, Điều lệ cũng quy định rõ thời gian dự bị vào Đảng và tuổi vào Đảng.

Hệ thống tổ chức Đảng gồm: chi bộ, huyện bộ, thị bộ hay khu bộ; tỉnh bộ, thành bộ, hay đặc biệt bộ; Trung ương.

Điều lệ chỉ rõ đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và cổ động quần chúng theo Đảng, tham gia mọi sự tranh đấu về chính trị và kinh tế của công nông; phải thực hành chính sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản;... Đồng thời đảng viên cũng có quyền tham gia và phát biểu ý kiến trong các cuộc hội nghị của chi bộ.

Điều lệ Đảng cũng quy định rõ nhiệm vụ các cấp ủy Đảng; kinh phí và kỷ luật Đảng.

- Đảng Cộng sản việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 7-9.

THÁNG 1

Thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Campuchia

Đầu năm 1930, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Campuchia được thành lập tại Trường trung học Xixôvát (Phnômpênh) do đồng chí Nguyễn Xuân Phương làm Bí thư.

Tiếp sau đó một số chi bộ cộng sản lần lượt được thành lập như Chi bộ đồn điền cao su Chúp (Côngpôngchàm), Chi bộ tỉnh Campốt và các chi bộ ở ba thị trấn khác cũng được thành lập.

Sự ra đời của các chi bộ Đảng nói trên là kết quả của phong trào yêu nước, phong trào công nhân tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng Campuchia tiến lên những bước mới. Đồng thời, góp phần vào việc thống nhất chiến lược chung chống thực dân Pháp ở Đông Dương.

- Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam: Tìm hiểu đất nước Campuchia anh hùng, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội, 1979, tr. 68-69.

NGÀY 3-2

Cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng

Giai cấp công nhân nói chung và công nhân đồn điền nói riêng từ khi ra đời đã bị giới chủ tư bản áp bức, bóc lột thậm tệ. Công nhân đồn điền phải chịu thân phận của người nô lệ.

Công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng, thuộc Công ty Misơlanh (Michelin) cũng phải chịu tình cảnh như vậy. Cho nên, họ luôn vùng dậy phản kháng. Nhưng, chỉ từ khi có cán bộ cách mạng đến tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo thì những cuộc đấu tranh của công nhân mới có tổ chức, mới giành được thắng lợi. Tháng 10-1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Phú Riềng gồm có 6 đảng viên3. Các tổ chức nghiệp đoàn, Đội tự vệ cũng ra đời và tích cực hoạt động. Phong trào đấu tranh của công nhân Phú Riềng càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngày 3-2-1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đồn điền, 5.000 công nhân nam, nữ vùng dậy bãi công, đòi bãi bỏ thuế thân; không được cúp phạt lương của công nhân, cấm đánh đập công nhân; cấp gạo cho công nhân nữ trong thời kỳ sinh đẻ; trả lại tự do cho những công nhân bị bắt.

Chủ đồn điền gọi lính của đồn binh Phú Riềng đến đàn áp cuộc bãi công. Đội xích vệ của công nhân xông ra chống đàn áp và tước súng của quân địch. Tên chỉ huy người Pháp và binh lính phải chạy khỏi đồn điền. Giới chủ, giám thị người Pháp cũng chạy về Sài Gòn. Bãi công chuyển thành biểu tình chính trị. Công nhân chiếm giữ tất cả các nhà máy và kho tàng phục vụ cho việc sản xuất cao su, lục soát các văn phòng, đốt giấy tờ. Toàn bộ Đồn điền Phú Riềng biến thành "Khu đỏ", đặt dưới quyền quản lý của công nhân; có Ban chỉ đạo đấu tranh; có Đội xích vệ, có bộ phận rời kho lương thực đem cất giấu vào rừng.

Trước tình hình đó, chi bộ Đảng họp nhận định rằng, cuộc bãi công đã vượt ra ngoài phạm vi đấu tranh chính trị và biến thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền riêng lẻ ở địa phương và như thế địch sẽ tập trung lực lượng đàn áp công nhân và tiêu diệt phong trào cách mạng tại chỗ. Chi bộ chủ trương lãnh đạo công nhân chuyển hướng về đấu tranh kinh tế và chính trị công khai hợp pháp đề hạn chế tổn thất cho phong trào. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục dưới hình thức bãi công quần chúng đưa yêu sách đòi quyền lợi dân sinh và dân chủ.

Hôm sau, Thống đốc Nam Kỳ Cơrôhâyme (Krauheimer), Chánh mật thám Đông Dương Ácnu (Arnoux), Chánh và Phó chủ tịch tỉnh Biên Hòa Mácti và Vinmông chỉ huy 300 lính Pháp và 500 lính khố đỏ kéo đến Phú Riêng để đàn áp. Nhưng trước thái độ đấu tranh với những yêu sách hợp lý của quần chúng, nhà cầm quyền và giới chủ phải nhượng bộ chấp nhận một số yêu sách của công nhân. Cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân Phú Riềng kết thúc thắng lợi.

Cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân Đồn điền cao su Dầu Tiếng ở Thủ Dầu Một, thị xã Biên Hòa, Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Bài học quan trọng của cuộc đấu tranh là biết ngăn chặn những hành động phiêu lưu, kịp thời chuyển hướng đấu tranh, biết kết thúc đúng lúc.

- Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đông Nai (1930-1995), Nxb. Đồng Nai, 1997, t.1.

NGÀY 9 2

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái và thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đêm 9-2 rạng ngày 10-2, Việt Nam Quốc dân Đảng tiến hành khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Yên Bái, các huyện lỵ Lâm Thao và Hưng Hóa (Phú Thọ), ngày 15-2, ở Phả Lại, Vĩnh Bảo (Hai Dương), Kiến An, Phụ Dực (Thái Bình).

Trong vòng một tuần lễ, cuộc khởi nghĩa vũ trang quy mô lớn do Việt Nam Quốc dân Đảng phát động bùng nổ ở nhiều nơi và mau chóng đi tới thất bại. Cuộc khởi nghĩa tuy không đạt được kết quả, nhưng có tiếng vang cả trong và ngoài nước. Tại Thủ đô Pari (Pháp), sinh viên và Việt kiều đã tổ chức biểu tình ủng hộ khởi nghĩa Yên Bái và chống việc khủng bố các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam tuy không tán thành chủ trương khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng, nhưng khi cuộc khởi nghĩa nổ ra và khi các chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng bị đế quốc tàn sát và bắt giam, Đảng Cộng sản Việt Nam liền kêu gọi toàn Đảng và nhân dân cả nước đấu tranh chống khủng bố trắng của đế quốc và đòi trả lại tự do cho những chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng. Từ sau cuộc bạo động Yên Bái, Việt Nam Quốc dân Đảng tan rã, chủ nghĩa quốc gia trở thành trái mùa, hệ tư tưởng tư sản cũng hoàn toàn bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ngọn cờ cách mạng đã chuyển hẳn sang tay giai cấp vô sản. Từ đây trở đi "trên dải đất Việt Nam, phong trào chống đế quốc, giành độc lập dân tộc chỉ là những phong trào do giai cấp vô sản lãnh đạo".

-  Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.I.

- Lê Duẩn: Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1959, tr. 39-40.

NGÀY 18-2

Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, học sinh, quần chúng bị áp bức, bóc lột. Người nêu rõ: "Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng: có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh: công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, nông dân đòi ruộng đất, nhà buôn nhỏ đóng cửa hàng, nhân dân cả nước đang vùng dậy chống bọn đế quốc".

Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ những nguyên nhân làm cho cách mạng Việt Nam không thể bị tiêu diệt: ‘Nếu đế quốc Pháp tưởng có thể dùng khủng bố trắng hòng tiêu diệt cách mạng An Nam thì chúng đã lầm to! Một là, cách mạng An Nam không bị cô lập, trái lại nó được giai cấp vô sản thế giới nói chung và giai cấp cần lao Pháp nói riêng ủng hộ. Hai là, giữa lúc các cuộc khủng bố trắng lên đến đỉnh cao thì những người cộng sản An Nam trước kia chưa có tổ chức đang thống nhất lại thành một đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, để lãnh đạo toàn thể anh chị em bị áp bức chúng ta làm cách mạng".

Cuối cùng Người kêu gọi: "Đảng Cộng sản An Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng" để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng đề ra.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 14-17.

NGÀY 18-2

Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản

Ngày 18-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản. Bản báo cáo trình bày rõ những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm, Lào, Trung Quốc và tình hình chính trị ở Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc báo cáo với Quốc tế Cộng sản về Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 6-1, Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại biểu của hai nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Tại cuộc họp đó “với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương", Người thống nhất các tổ chức cộng sản vào một Đảng duy nhất; các đại biểu xác định cương lĩnh và đường lối chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản; đồng thời, các đại biểu tổ chức Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm bảy ủy viên chính thức và bảy ủy viên dự khuyết. Ngày 8-2, đại biểu các tổ chức cộng sản trở về Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam lúc mới thành lập có 310 đảng viên và hàng nghìn hội viên các tổ chức quần chúng. Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc còn nêu lên phong trào đấu tranh đã diễn ra ở hầu khắp các tỉnh, nhất là phong trào đình công của công nhân.

Phần cuối bản báo cáo, Nguyễn Ái Quốc đưa ra những kiến nghị gửi tới Quốc tế Cộng sản: về vấn đề của Đảng bộ Xingapo, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được sự chỉ dẫn từ Thượng Hải qua Hồng Công và Đảng Cộng sản Việt Nam phải quan hệ chặt chẽ với Xingapo; Nguyễn Ái Quốc cũng yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thư và địa chỉ của một số đồng chí lãnh đạo tại Xiêm để tiện liên lạc cho các đồng chí An Nam; ở Sài Gòn có khoảng 200 đồng chí Trung Quốc hoạt động, Nguyễn Ái Quốc để nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc cử một số đồng chí lãnh đạo đến đó và các Đảng bộ Trung Quốc, An Nam sẽ cử đại biểu để đến thành lập một văn phòng, nhằm phối hợp công tác và giúp đỡ lẫn nhau.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.18-25.

THÁNG 2

Thành lập Ban lâm thời Chấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ

Trung tuần tháng 2-1930, hai đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu về tới Sài Gòn và bắt liên lạc với các đồng chí trong Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng và với đồng chí Ngô Gia Tự (tức Bách), đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng tại Nam Kỳ để thành lập Ban lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ.

Cuộc họp được tiến hành tại một căn nhà ở xóm lao động Khánh Hội. Hội nghị quyết định thành lập Ban lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, trụ sở đặt tại đường Kítsơnơ (Kitchener) và Grimô (Grimaua) (nay là đường Nguyễn Thái Học và Phạm Ngũ Lão).

Sau khi thành lập, Ban lâm thời Chấp ủy tiến hành việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Sài Gòn và các tỉnh cho đến tận các chi bộ cơ sở và các hội quần chúng.

- Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1954) sơ thảo. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995. T.1.

NGÀY 24-2

Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời nhưng chưa có lực lượng, tổ chức, chánh cương không cụ thể, chưa phải là một đoàn thể Bônsơvích chân chính "nhưng có tinh thần cộng sản" và muốn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Xét nguyện vọng chính đáng của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, ngày 24-2-1930, hai đồng chí thay mặt cho đại biểu của Quốc tế Cộng sản (tức Nguyễn Ái Quốc) là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, hai đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời là Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) và Phạm Hữu Lầu cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư lâm thời Chấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ đã họp Hội nghị, chấp nhận sự sáp nhập của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nghị quyết chỉ rõ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử một người tham gia Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ; đồng thời, Lâm thời Chấp ủy của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Chấp ủy Liên đoàn phải thông báo để cho các đồng chí trong Đảng biết Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 26-27.   

NGÀY 24-2

Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa ra đời

Ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Cán sự Đông Dương Cộng sản Liên đoàn của tỉnh Khánh Hòa được chuyển thành Tỉnh ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Trần Hữu Duyệt, Lê Dung, Đỗ Long... do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư.

Sau khi được thành lập, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa đề ra nhiệm vụ quan trọng là nắm vững tình hình cơ sở đảng lựa chọn các đảng viên ưu tú của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; củng cố các chi bộ cộng sản, kết nạp đảng viên mới; vận động các tổ chức cách mạng.

Sau mấy tháng hoạt động ở Ninh Hòa, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa kết nạp được 20 đảng viên và nhiều quần chúng cũng được kết nạp vào các hội. Ở Nha Trang, trong Sở Kiểm lâm gây dựng được cơ sở Đảng.

- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hòa xuất bản, 2001, t.1.

NGÀY 5-3

Báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về tình hình cách mạng Việt Nam

Ngày 5-3-1930, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản, khái quát tình hình đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam từ khi bị đế quốc Pháp xâm lược đến đầu năm 1930, rút ra những đặc điểm và nguyên nhân thất bại của mỗi giai đoạn đấu tranh.

Từ khi bị đế quốc Pháp xâm lược đến đầu năm 1905, nhân dân Việt Nam liên tiếp nổi dậy chống đế quốc: giành độc lập dân tộc. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Song, lúc bấy giờ, ngọn cờ dân tộc chủ yếu là do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo và chưa có phong trào quần chúng, chưa có tổ chức nên các cuộc đấu tranh ấy đã không thành công.

Từ năm 1905 đến năm 1910, nổi bật lên là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu đề xướng. Nhiều sĩ phu yêu nước tìm đường sang Nhật học tập và cầu viện. Rút cuộc, Nhật câu kết với Pháp, thẳng tay trục xuất du học sinh Việt Nam.

Nhưng nhân dân Việt Nam không chịu khuất phục! Các cuộc đấu tranh của nông dân ở Trung Kỳ (1908), vụ Hà Thành đầu độc, cuộc bạo động ở Thái Nguyên (1917), v.v. lại liên tiếp bùng lên. Các cuộc đấu tranh ấy vẫn bị thất bại, vì còn “thiếu tổ chức lãnh đạo của một đảng chính trị", nhưng cũng đã làm cho bọn đế quốc phải hoảng sợ.

Năm 1919, “một số những người quốc gia Việt Nam trẻ tuổi gửi một bản yêu cầu cho Hội nghị hòa bình ở Vécxây. Họ nhận được những bức thư rất hay của các phái đoàn hứa sẽ “chú ý xem xét” . Thế là hết”.

Năm 1924, Phạm Hồng Thái tiến hành mưu sát Toàn quyền Đông Dương Méclanh ở Sa Diện (Quảng Châu). Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Nguyễn Ái Quốc cho đó là một sự kiện có ý nghĩa to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, vì “nó sẽ là cơ sở cho một đảng lớn hơn...". Trong lúc đó một phong trào quốc gia bùng lên mạnh mẽ, nổi bật là đám tang Phan Chu Trinh và cuộc đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu. Tiếp đó, nhiều đảng phái chính trị như Tân Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng,... liên tiếp được thành lập, các đảng phái này còn nặng về xu hướng quốc gia, nhưng cũng đã chứng minh bước phát triển mới của phong trào vận động cách mạng Việt Nam.

Trong lúc ấy, Việt Nam Cách mạng Thanh niên vẫn phát triển theo xu hướng chủ nghĩa cộng sản. Từ sau Đại hội lần thứ nhất (tháng 5-1929), hai tổ chức cộng sản ra đời, hai tổ chức này tuy công kích lẫn nhau, nhưng đều tích cực đi vào quần chúng vận động công nhân và nông dân, đều ra báo chí để tuyên truyền, cho nên ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ngày càng lan rộng, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng phát triển.

"Ngày nay các nhóm cộng sản đã thống nhất vào một đảng, hoạt động nhất định sẽ tốt hơn trước nhiều”. Chính vì vậy, mặc dù cách mạng đang bị đế quốc Pháp đàn áp, khủng bố dã man, đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn khẳng định chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr. 28-36.

Tin đọc nhiều

Dữ liệu hiện đang được cập nhật

Phổ biến

Dữ liệu hiện đang được cập nhật